Để đạt mục tiêu đào tạo do Bộ GD đề ra, đồng thời để khỏi phụ lòng tin của nhân dân, của Nhà nước, Hội đồng sư phạm của trường – đứng đầu là GS.NGND Hoàng Như Mai đã khẳng định: trường phải là nơi giáo dục học sinh toàn diện, không thể chỉ lệch về văn hóa mà phải đặc biệt coi trọng giáo dục tư tưởng tình cảm cho các em.
Nội dung hoạt động để đạt yêu cầu này rất đa dạng, hình thức thực hiện cũng hết sức phong phú. Ở đây chúng tôi chỉ xin nói về việc giáo dục cho học sinh lòng nhân ái, từ lớp 1 mới 6 tuổi cho đến lớp 12 – tuổi thành niên, được quyền bầu cử Quốc hội – phải biết xúc động trước niềm vui nỗi đau của đồng bào mình, biết chia xẻ với tinh thần nhường cơm xẻ áo với nhân dân những vùng thiên tai lũ lụt, hoặc ngay với bà con nghèo nơi trường đóng trong những dịp Tết đến xuân về.
Những việc trường đã thực hiện
1. Trường thường xuyên hàng tuần cập nhật tin tức thời sự trong nước ở dưới cờ sáng thứ hai. Học sinh sớm được biết những thành tựu của đất nước, những gương điển hình vượt khó, học giỏi, biết hi sinh bản thân vì người khác, vì quê hương.
2. Trường chủ động tổ chức những đợt thâm nhập thực tế, giúp đỡ những đơn vị trường học vùng sâu vùng xa một cách thiết thực.
Chẳng hạn, đầu năm học, trường tổ chức để 2500 học sinh đi thăm, giao lưu văn hóa và giúp đỡ vật chất cho 8 trường tiểu học và THCS ở Tây Ninh (vùng giáp với biên giới CPC). Tổng quyên góp vượt ngoài dự kiến, ngoài 66.374.000đ tiền mặt, còn có 27.018 tập vở, 10.292 bút bi, 766 cuốn sách giáo khoa, 829 quần và áo, 5 xe đạp, 50 ba lô, 8 cái trống trường, nhiều đồ chơi, kem đánh răng, nón, bánh kẹo, giày dép v.v… Tổng giá trị trên 200 triệu đồng. Lãnh đạo Sở GDĐT Tây Ninh đã đánh giá cao hoạt động này.
3. Trường giúp đỡ định kỳ, năm 2 lần cho 2 trung tâm trẻ mồ côi khuyết tật Thiên Phước và Thị Nghè. Mỗi lần số tiền và quà giúp cho mỗi đơn vị không dưới 10 triệu đồng.
4. Trường phát động giáo viên học sinh hưởng ứng nhiệt tình các đợt quyên góp do Quận (Hội chữ thập đỏ, quận đoàn TNCS…), Sở GDĐT, Mặt trận tổ quốc phát động (tặng nhà tình thương, Tết cho trẻ nghèo, quà tặng chiến sĩ Trường Sa v.v…) và thường được các tổ chức nói trên tuyên dương, khen thưởng.
Điều đặc biệt cần nhấn mạnh: tất cả những hoạt động trên đều được mọi thành viên trong trường hưởng ứng với ý thức tự nguyện, tinh thần nhiệt tình, bao giờ cũng tham gia với tỉ lệ 100% giáo viện, học sinh, công nhân viên
Những bài học kinh nghiệm
Sở dĩ đạt được kết quả khá tốt đẹp như trên, vì chúng tôi thường xuyên rút kinh nghiệm, hoàn thiện đến nội dung hoạt động và biện pháp tổ chức. Chúng tôi đặc biệt lưu ý mấy bài học sau đây:
1. Không áp đặt, mệnh lệnh, mà chỉ chú trọng làm tốt công tác tư tưởng,để các em trước hết tham gia hoạt động từ thiện nào đó cũng biết rõ mục đích ý nghĩa cứu trợ, đối tượng được giúp đỡ, một khi đã thông, các em sẽ hỗ trợ tham gia.
2. Nếu có điều kiện, nhà trường để các em được tiếp xúc trực tiếp với những đối tượng khó khăn cơ nhở. Chẳng hạn, đầu năm học vừa rồi, trong số khách mời dự lễ khai mạc của trường có một số nhóm học viên của trung tâm Thiên Phước, nhìn những em có dị tật do chất độc hóa học, nhiều học sinh rất xúc động, tự động vét những đồng tiền tiêu vặt cuối cùng của mình để góp thêm vào quĩ cứu trợ chung.
3. Mặt khác trường phát huy vai trò của đoàn TNCS ở mỗi lớp, mỗi chi đoàn để làm nòng cốt trong các hoạt động xã hội.
4. Trường rất có ý thức về vai trò gương mẫu của thầy cô và cán bộ nhân viên. Vì vậy tiếng là cuộc phát động đồng bộ nhưng bao giờ cuộc vận động cứu trợ cũng được tổ chức trong công đoàn và các phòng ban sớm hơn vài ba ngày. Nhìn chung, do phẩm chất của non 400 giáo viên, nhân viên toàn trường rất tốt, nên kết quả bao giờ cũng rất khả quan về vật chất như trên đã nói và số tham gia là 100 %.
5. Ở nhiều nơi. Phụ huynh học sinh thường phàn nàn về việc nhà trường huy động đóng góp. Trường chúng tôi, thì ngược lại. Các hoạt động cứu trợ không những được các vị đồng tình mà nhiều phụ huynh còn đề nghị được tham gia. Muốn vậy, mỗi đợt vận động chúng tôi, đều phối hợp với Ban đậi diện cha mẹ học sinh của trường có thư ngỏ nói rõ mục đích ý nghĩa và mời quí vị tham gia. Cho nên trong đợt giúp 8 trường vùng biên giới của Tây Ninh, số đóng góp của PHHS lê tới 1/3. Hàng chục vị đã đã cùng thầy trò nhà trường dành cả ngày 20/9/2008 đến với các trường nói trên.
6. Qua mỗi đợt hoạt động từ thiện, nhà trường không chỉ chú ý đến hiệu qủa vật chất (tiền, qùa…) mà còn đặc biệt quan tâm đến tác động về tinh thần, tình cảm. Vì vậy sau khi tổng kết từng đợt vận động, trường có thư ngỏ gửi đến học sinh và cha mẹ các em, tuyên dương thành tích của các đơn vị, trân trọng cảm ơn PHHS và thông báo rất rành mạch nội dung thu nhận ở từng lớp cũng như đã sử dụng cụ thể những thứ quyên góp được như thế nào.
Với một số đợt vận động lớn, như giúp học sinh Tây Ninh, trường yêu cầu tổ giáo viên Văn chỉ đạo việc cho tất cả học sinh viết thu hoạch, cảm tưởng, coi đó như một bài kiểm tra 1 tiết, có ghi điểm chính thức.
Nhiều bài tường thuật chi tiết, ghi lại những cảm xúc sâu sắc và liên hệ đến bản thân khá chân thành. Có em đã thành thực thú nhận: không ngờ có những bạn cùng lưá tuổi với mình vất vả khó khăn về đời sống đến thế. Có em tâm phục: dù khó khăn bạn vẫn vượt khó học tốt, chẳng nhẽ mình lại lười lĩnh.
Kết luận:
Việc giáo dục tư tưởng tình cảm - đặc biệt là lòng nhân ái, tinh thần "lá lành đùm lá rác" - của trường Trương Vĩnh Ký không phải đã mười phần tốt đẹp. Chúng tôi quan niệm, những thành tích trên còn rất khiêm nhường. Sự cố gắng của trường về phương diện này bao nhiêu cũng là chưa đủ. Tuy vậy chúng tôi cũng xin báo cáo để mong nhận được những góp ý chân tình của qúi vị đại biểu. Mặt khác, chúng tôi xin lắng nghe để ghi nhận, học tập các bài học qúi của các đơn vị bạn, để làm cho mặt hoạt động này của trường Trương Vĩnh Ký ngày càng phong phú, đa dạng, có chiều sâu, có thực chất hơn.
Tác giả bài viết: Ban biên tập
Nguồn tin: Trương Vĩnh Ký
Copyright © 2021 - TRƯỜNG TRƯƠNG VĨNH KÝ. All rights reserved. Design by i-web.vn